Kế hoạch 132/KH-UBND

Nội dung toàn văn Kế hoạch 132/KH-UBND 2023 thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn Bắc Giang


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 132/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 01 tháng 8 năm 2023

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2023-2025

Thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023-2025, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, các mục tiêu nhiệm vụ tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

- Phát triển du lịch nông thôn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên tỉnh Bắc Giang; thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

- Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân và sự tham gia tích cực từ cộng đồng địa phương đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn để xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về du lịch có lợi thế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

- Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người dân và cộng đồng trong việc xây dựng, phát triển kinh tế du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

2. Yêu cầu

- Việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch nông thôn phải bám sát các nội dung, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 112-NQ/TU ngày 15/6/2021 về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, các chương trình, Đề án có liên quan được UBND tỉnh phê duyệt.

- Kế hoạch được triển khai trên cơ sở phát huy tối đa sự tham gia của người dân, cộng đồng và các thành phần kinh doanh du lịch; khai thác, làm nổi bật những đặc trưng riêng về du lịch nông thôn trong định hướng phát triển du lịch Bắc Giang. Phát triển du lịch nông thôn phải gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống của mỗi địa phương.

3. Phạm vi, đối tượng

a) Phạm vi thực hiện:

- Phạm vi về không gian: Triển khai khu vực nông thôn của tỉnh, tập trung tại các điểm du lịch nông thôn, do cộng đồng địa phương tổ chức quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng.

- Phạm vi về thời gian: Từ năm 2023 đến năm 2025.

b) Đối tượng thực hiện: Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào lĩnh vực du lịch nông thôn; đặc biệt là các hộ gia đình, chủ thể hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn nông thôn có nhu cầu khai thác và liên kết phát triển du lịch nông thôn.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.

- Phát triển hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp nông thôn trong hoạt động du lịch.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; lựa chọn ít nhất 03 mô hình điểm, điểm du lịch nông thôn (du lịch cộng đồng) được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

- Mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn (du lịch cộng đồng) đặc thù.

- Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

- Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

- 100% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên sử dụng được tiếng Anh giao tiếp thông thường.

III. NHIỆM VỤ

1. Nâng cấp đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

- Quy hoạch, thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa bảo đảm vệ sinh môi trường; tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường.

- Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, hệ thống điện và nước sạch, bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác thải, nước thải…) tại các điểm du lịch, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch.

- Xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm… đạt chất lượng phục vụ khách du lịch. Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn.

2. Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng vùng miền

- Tập trung phát triển sản phẩm có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng thị trường và phù hợp với thị trường, đối tượng khách du lịch, đa dạng hóa sản phẩm.

- Hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ, hạn chế tác động đến môi trường.

- Hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, các lễ hội, loại hình biểu diễn văn nghệ, thể thao; phát triển các nghệ nhân; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống.

3. Phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng

- Nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở về quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông thôn.

- Xây dựng tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh.

4. Truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn

- Xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn.

- Tập trung hỗ trợ, tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã, huyện nông thôn mới có tiềm năng phát triển du lịch với các công ty lữ hành để chào bán các sản phẩm du lịch nông thôn cho khách du lịch.

5. Xây dựng mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững

Xây dựng mô hình phát triển du lịch nông thôn theo loại hình: Du lịch sinh thái cộng đồng, nông nghiệp nông thôn, gắn với bảo tồn thiên nhiên, làng nghề. Ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc cho từng vùng miền và có hiệu quả kinh tế; hướng tới việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong chuỗi giá trị du lịch (nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, cộng đồng và du khách,…) trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phát triển du lịch nông thôn

- Xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 41/2023 ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030 và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện khác của Trung ương, của tỉnh liên quan đến du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.

- Xây dựng định hướng phát triển du lịch nông thôn và tích hợp, bổ sung trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch nông thôn; thúc đẩy liên kết nông thôn - đô thị trong phát triển du lịch, ưu tiên phát triển du lịch nông thôn ở những nơi có lợi thế về tài nguyên, kết nối với các khu vực động lực phát triển du lịch, trung tâm du lịch. Các địa phương có tiềm năng du lịch xây dựng đề án, chương trình hoặc kế hoạch phát triển du lịch.

- Hướng dẫn thực hiện quy trình đánh giá chất lượng điểm du lịch nông thôn, dịch vụ du lịch nông thôn; hướng dẫn thực hiện việc công nhận khu, điểm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.

2. Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn

- Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức hợp tác quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác nông nghiệp, đóng góp của cộng đồng (tài chính, sức lao động…) và các nguồn hợp pháp khác cho phát triển du lịch nông thôn. Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch tại khu vực nông thôn phù hợp với định hướng thị trường.

- Khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển du lịch nông thôn tại các địa bàn, môi trường khác nhau (rừng, khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực cây ăn quả…) theo các quy định của pháp luật nhằm tạo ra nguồn thu ổn định từ hoạt động du lịch để đầu tư trở lại cho các công tác bảo vệ tài nguyên du lịch.

- Khuyến khích, kêu gọi các sáng kiến, ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch nông thôn; các giải pháp kết nối thị trường, marketing hiệu quả cho du lịch nông thôn.

- Lồng ghép nguồn lực thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan, đặc biệt các nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

3. Tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; người dân, cộng đồng và khách du lịch về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

- Đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề…; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới.

- Tổ chức các lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội trái cây theo mùa và theo vùng miền; truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn tại các hội chợ, triển lãm.

4. Bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch (quản lý du lịch, hướng dẫn viên du lịch, nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ buồng…); kiến thức thị trường, ngoại ngữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch ở cơ sở, người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch ở khu vực nông thôn.

- Tổ chức các lớp tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghề và kỹ năng mềm phục vụ du lịch: cung cấp dịch vụ ăn uống (nấu ăn, pha chế…), lưu trú (làm buồng, phòng…), ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử, đón tiếp, thái độ phục vụ khách cho người dân theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện; kết hợp với nâng cao kiến thức lịch sử, văn hóa về điểm du lịch và học hỏi kinh nghiệm về phát triển mô hình du lịch nông thôn trong và ngoài nước.

5. Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn

- Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất từ cấp tỉnh đến cơ sở phục vụ cho việc quản lý, quảng bá và xúc tiến du lịch nông thôn.

- Xây dựng ngân hàng hình ảnh, số hóa các thông tin, tài liệu về các điểm du lịch nông thôn, để từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, tạo điều kiện cho khách du lịch trải nghiệm các hoạt động, dịch vụ du lịch nông thôn an toàn, thuận tiện và thân thiện.

V. NỘI DUNG HỖ TRỢ VÀ NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nội dung hỗ trợ

- Hỗ trợ Quy hoạch chi tiết 1/500, hỗ trợ xây dựng nhà đón khách, trưng bày sản phẩm du lịch nông thôn, hỗ trợ xe điện vận chuyển khách du lịch.

- Hỗ trợ xây dựng đường giao thông nội bộ, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác thải, nước thải.

- Tập huấn nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở về quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông thôn; các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn.

- Hỗ trợ tuyên truyền quảng bá, tổ chức tour du lịch liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã, huyện có tiềm năng phát triển du lịch với các công ty lữ hành để chào bán các sản phẩm du lịch nông thôn cho khách du lịch nội địa và quốc tế. Xây dựng cơ sở dữ liệu từ cấp tỉnh đến cơ sở; số hóa các thông tin, tài liệu về các điểm du lịch nông thôn.

- Các nội dung hỗ trợ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ theo Điều 20 Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 41/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030.

2. Nguồn kinh phí thực hiện: Vốn ngân sách trung ương được bố trí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (được phân bổ hàng năm); Vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện; vốn xã hội hóa (các doanh nghiệp, hợp tác xã, các loại hình kinh tế khác, cộng đồng dân cư...); vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác và nguồn huy động hợp pháp khác cụ thể:

- Năm 2023 tổng thực hiện khoảng: 3 tỷ trong đó ngân sách trung ương 2,530 tỷ đồng), ngân sách tỉnh 0,470 tỷ.

- Năm 2024 tổng thực hiện khoảng: 15 tỷ trong đó ngân sách trung ương 5 tỷ, ngân sách tỉnh 10 tỷ.

- Năm 2025 tổng thực hiện khoảng: 20 tỷ trong đó ngân sách trung ương 7 tỷ, ngân sách tỉnh 13 tỷ.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì tổ chức thực hiện các nội dung hỗ trợ tại Kế hoạch này.

- Tổng hợp danh sách các điểm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gửi UBND tỉnh để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt danh sách các mô hình du lịch thuộc Chương trình đề xuất hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất từ cấp tỉnh đến cơ sở phục vụ cho việc quản lý, quảng bá và xúc tiến du lịch nông thôn. Số hóa các thông tin, tài liệu về các điểm du lịch nông thôn, để từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, tạo điều kiện cho khách du lịch trải nghiệm các hoạt động, dịch vụ du lịch nông thôn an toàn, thuận tiện và thân thiện.

- Hằng năm, tổ chức chương trình khảo sát, thăm quan, học tập kinh nghiệm, kết nối sản phẩm du lịch nông thôn; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho các đối tượng tham gia phát triển du lịch nông thôn. Tổng hợp nhu cầu kinh phí gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương và tổ chức, cá nhân thực hiện khai thác, phát triển du lịch nông thôn; bảo tồn, phục dựng, khai thác các hoạt động văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch nông thôn; hướng dẫn thực hiện công nhận điểm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tổng hợp nhu cầu kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ kế hoạch gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp danh sách các điểm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gửi UBND tỉnh để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt danh sách các mô hình du lịch thuộc Chương trình đề xuất hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

- Hướng dẫn xây dựng sản phẩm OCOP du lịch nông thôn; tuyên truyền quảng bá, kết nối nông sản, sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư thực hiện nội dung Kế hoạch.

4. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu phân bổ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ về phát triển du lịch nông thôn theo nội dung Kế hoạch.

5. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư, nâng cấp máy móc, thiết bị, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói cho các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh… phục vụ làm quà tặng du lịch, hàng lưu niệm, trang trí...

- Chủ trì tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm giới thiệu thúc đẩy bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, tinh hoa của các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ Bắc Giang phục vụ phát triển du lịch nông thôn.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ quan truyền thông của tỉnh, chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền về công tác triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn toàn tỉnh; giới thiệu các mô hình, điểm đến du lịch nông thôn.

7. Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện, thành phố tuyên truyền sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; xây dựng chuyên trang, chuyên mục đưa tin, bài, phóng sự về các chương trình, sự kiện về sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

8. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

- Rà soát, bổ sung, tích hợp các điểm du lịch nông thôn trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bố trí quỹ đất và ưu tiên chuyển mục đích sử dụng đất cho phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng; xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2023 - 2025.

- Đề xuất và xây dựng mô hình du lịch nông thôn trên địa bàn. Thực hiện các dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa đối với các di tích do huyện, thành phố quản lý phục vụ phát triển du lịch nông thôn.

- Bố trí nguồn kinh phí, lồng ghép các nguồn lực, tăng cường xã hội hóa để đa dạng hoá nguồn vốn triển khai thực hiện kế hoạch phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn, tăng cường quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2023-2025. UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh./.


Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT (b/c);
- Bộ VHTTDL (b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND huyện, TP;
- VP UBND tỉnh
+ LĐVP, KTN, KTTH, TH;
+ Lưu: VT, KGVX.Quân.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Sơn

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 132/KH-UBND

Loại văn bảnKế hoạch
Số hiệu132/KH-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành01/08/2023
Ngày hiệu lực...
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
Cập nhật10 tháng trước
(10/08/2023)
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 132/KH-UBND

Lược đồ Kế hoạch 132/KH-UBND 2023 thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn Bắc Giang


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Kế hoạch 132/KH-UBND 2023 thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn Bắc Giang
                Loại văn bảnKế hoạch
                Số hiệu132/KH-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Bắc Giang
                Người kýMai Sơn
                Ngày ban hành01/08/2023
                Ngày hiệu lực...
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
                Tình trạng hiệu lựcKhông xác định
                Cập nhật10 tháng trước
                (10/08/2023)

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản được căn cứ

                          Văn bản hợp nhất

                            Văn bản gốc Kế hoạch 132/KH-UBND 2023 thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn Bắc Giang

                            Lịch sử hiệu lực Kế hoạch 132/KH-UBND 2023 thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn Bắc Giang

                            • 01/08/2023

                              Văn bản được ban hành

                              Trạng thái: Chưa có hiệu lực